“Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ” là tên của Dự thảo Thông tư do Bộ Giao thông vận tải đangchủ trì xây dựng để thay thế Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô(gọi tắt là Dự thảo Thông tư), hiện đang được đăng tải trên website của Bộ để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, những quy định đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Dự thảo Thông tư có nhiều thay đổi mang tính cải cách
Về việc phân cấp cơ quan quản lý theo chiều dài tuyến vận tải: Theo quy định tại Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT, việc mở tuyến, công bố tuyến và chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách cố định từ 1000 km trở xuống được phân cấp cho các sở Giao thông vận tải, còn với các tuyến vận tải trên 1000 km thì các thủ tục này do Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện (Điều 9, 10 và 11). Tuy nhiên, việc phân cấp như vậy là hoàn toàn không có căn cứ khoa học và có những điểm bất hợp lý. Việc mở tuyến, công bố tuyến dưới 1000 km giao cho mỗi Sở Giao thông vận tải căn cứ vào hạ tầng, quy hoạch, nhu cầu vận tải của tỉnh mình và căn cứ vào xác nhận của Sở Giao thông vận tải tỉnh đối lưu để thiết lập tuyến sẽ khó tránh khỏi việc trùng lắp hành trình giữa các tuyến mới thiết lập và các tuyến đang khai thác, từ đó dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất an toàn vận tải trên tuyến. Để khắc phục điểm bất cập này, trong Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã bỏ nội dung trên, thay vào đó phân cấp choSở Giao thông vận tải chấp thuận mở tuyến đối với tuyến hành khách cố định nội tỉnh, liên tỉnh và công bố tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, còn Tổng cục Đường Bộ Việt Nam công bố tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh (Điều 12 và 13 Dự thảo Thông tư).
Về thời hạn giải quyết thủ tục: Thời hạn giải quyết các thủ tục mở tuyến, công bố tuyến, chấp thuận khai thác tuyến trong Dự thảo Thông tư được giảm đi đáng kể, cụ thể là: sau khi nhận được hồ sơ, trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc (theo quy định hiện hành là không quá 05 ngày làm việc), cơ quan quản lý tuyến theo phân cấp thông báo những nội dung chưa đầy đủ hoặc cần sửa đổi đến doanh nghiệp, hợp tác xã; đối với các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, thời hạn giải quyết giảm từ 20 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc; đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, thời hạn này giảm từ 05 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc.
Về việc bổ sung xe (nhưng không làm tăng tần suất chạy xe trên tuyến): Dự thảo Thông tư mới quy định: khi muốn bổ sung xe mà không làm tăng tần suất chạy xe trên tuyến, doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ cần gửi thông báo theo mẫu quy định tới Sở Giao thông vận tải thay cho việc phải làm hồ sơ gửi cơ quan quản lý tuyến để đề nghị chấp thuận bổ sung xe như quy định tại Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT. Với sự thay đổi mới này, thủ tục chấp thuận bổ sung xe được bãi bỏ, tạo thuận lợi và giảm bớt chi phí tuân thủ thủ tục không cần thiết cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải.
Vẫn còn những quy định không cần thiết
Về quy định việc lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe: Tại Điểm e, Khoản 2, Điều 6 Dự thảo Thông tư quy định “Trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải không trực tiếp thực hiện các quy định tại điểm b, d khoản này thì phải ký kết hợp đồng ủy thác cho một đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý thông tin của thiết bị giám sát hành trình thực hiện và cung cấp hợp đồng có hiệu lực pháp lý cho cơ quan quản lý tuyến, hợp đồng được quy định theo mẫu tại Phụ lục 5”. Với quy định này, cơ quan quản lý đã can thiệp vào hoạt động kinh doanh của đơn vị kinh doanh vận tải. Thực tế, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ cần đảm bảo đáp ứng các yêu cầu ở Điểm a, b, c, d Khoản 2, Điều 6 của Dự thảo về việc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, truyền dẫn thông tin đầy đủ, thông suốt, liên tục và sẵn sàng cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Còn cách thức quản lý như thế nào, tự quản lý hay ký hợp đồng thuê đơn vị khác quản lý thì đó là trách nhiệm cũng như quyền hạn của đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan quản lý nhà nước không cần phải can thiệp bằng cách đặt ra quy định quá chi tiết và không cần thiết như trên. Bởi lẽ, thứ nhất, điều này không giúp làm tăng hiệu quả quản lý cho cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai, làm phát sinh thủ tục nhiêu khê, tăng chi phí tuân thủ thủ tục cho các đơn vị kinh doanh vận tải, đồng thời hạn chế quyền của các đơn vị đối với hoạt động kinh doanh của chính mình.


Ảnh: Xe khách đang vào bến xe Gia Lâm (Hà Nội)
Về quy định đăng ký, niêm yếtchất lượng dịch vụ vận tải: Hoạt động này được quy định chi tiết tại Điều 7 của Dự thảo Thông tư. Tuy nhiên, quy định vẫn còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, tại Khoản 8, Điều 1 Nghị định 93/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ đã quy định giấy đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải là một thành phần trong bộ hồ sơ của thủ tục cấp phép kinh doanh vận tải bằng ô tô. Thành phần hồ sơ này có tên “Giấy đăng ký chất lượng chung về dịch vụ vận tải” được quy định chi tiết trong Dự thảo Thông tư theo mẫu tại Phụ lục 6. Nhưng bên cạnh đó, riêng các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô còn phải đăng ký chất lượng dịch vụ trên tuyến theo mẫu “Giấy đăng ký dịch vụ vận tải trên tuyến cố định” tại Phụ lục 7 khi đăng ký mở tuyến hoặc tham gia khai thác tuyến (Khoản 5, Điều 7 Dự thảo Thông tư). Như vậy, thay vì cần phải đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ thì Dự thảo này lại quy định thêm mẫu giấy tờ có nội dung tương tự nhau buộc doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải nộp khi thực hiện thủ tục tại cùng một cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ hai, các nội dung phải kê khai như nhãn hiệu xe, số lượng xe; nêu rõ số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được ký kết hợp đồng; số lượng và tỷ lệ % hoàn thành chương trình tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về vận tải hành khách, an toàn giao thông… là những nội dung có thể thay đổi theo thời gian, và khi thay đổi thì bản đăng ký đã nộp cho cơ quan quản lý không còn ý nghĩa nữa, trong Dự thảo Thông tư cũng không quy định nếu có thay đổi ở nội dung nào thì đơn vị kinh doanh có phải nộp lại Giấy đăng ký cho cơ quan quản lý hay không. Hơn nữa, để có được các nội dung trên (về nhân sự) thì vô hình chung buộc đơn vị kinh doanh vận tải phải hình thành bộ máy và thực hiện các hoạt động tập huấn, hướng dẫn đó trước khi được cấp phép kinh doanh vận tải, như vậy là không hợp lý.
Thứ ba, chất lượng dịch vụ vận tải là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và gắn với lợi ích, sự sống còn của chính doanh nghiệp. Việc thay đổi chất lượng dịch vụ vận tải như thế nào cũng nằm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đó. Mặt khác, những nội dung trong giấy đăng ký chất lượng vận tải như: Cam kết chấp hành phương án kinh doanh vận tải bằng ô tô; Công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông; Địa chỉ, số điện thoại, quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của hành khách và cơ quan thông tin đại chúng; Các quyền lợi của hành khách (chế độ bảo hiểm, số lượng hành lý mang theo được miễn cước)… đều đã được pháp luật quy định cụ thể, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm quy định của pháp luật thì vẫn bị xử lý, bất kể việc doanh nghiệp, hợp tác xã có đăng ký chất lượng dịch vụ hay không.
Vì vậy, để khắc phục những bất cập nêu trên, Dự thảo Thông tư nên bỏ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã phải đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải với cơ quan quản lý, thay vào đó quy định doanh nghiệp, hợp tác xã phải niêm yết Bảng chất lượng dịch vụ vận tải tại quầy bán vé và trên phương tiện (với các nội dung: giá cước; số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp, hợp tác xã; các quyền lợi của hành khách gồm bảo hiểm, số lượng hành lý mang theo được miễn cước; các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình). Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã thay đổi, cải thiện chất lượng vận tải thì việc niêm yết cũng phải cập nhật kịp thời theo, nhưng không phải báo cáo việc này với cơ quan quản lý, đồng thời, trong quá trình hậu kiểm, nếu bị cơ quan quản lý phát hiện ra việc không thực hiện đúng với nội dung niêm yết và quy định của pháp luật thì doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bị xử lý.
Về Sổ nhật trình chạy xe: Thực thi Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải, Dự thảo Thông tư quy định Sổ nhật trình chạy xe do Sở Giao thông vận tải phát hành hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã tự in theo mẫu quy định. Tuy nhiên, việc thực thi phương án đơn giản hóa là chưa triệt để bởi theo quy định tại Điều 17 của Dự thảo, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã tự in thì vẫn phải gửi Sổ nhật trình chạy xe của đơn vị để Sở Giao thông vận tải đóng dấu vào Sổ. Như vậy, vô hình chung đã hình thành một loại “giấy phép con” cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Không thể phủ nhận Sổ nhật trình là cần thiết cho cả doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như Sở Giao thông vận tải để quản lý hoạt động vận tải của từng xe trên từng tuyến, nhưng việc đặt ra thủ tục cấp Sổ nhật trình có dấu xác nhận của Sở Giao thông vận tải là thực sự không cần thiết, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, trên Sổ nhật trình chạy xe ngoài các thông tin cơ bản về doanh nghiệp, về tuyến vận chuyển, còn có thông tin về phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ, giờ xuất bến, giờ đến bến, số lượng hành khách, được xác nhận và đóng dấu bởi bến xe hai đầu tuyến. Mặt khác, những xe chạy tuyến cố định đều bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhiều thông tin trong Sổ nhật trình trùng với thông tin có thể khai thác được từ thiết bị này như thông tin về xe và lái xe, hành trình của xe, số lần và thời gian dừng, đỗ xe… Các thông tin này là khách quan, không thể thay đổi hoặc làm giả và không phụ thuộc vào việc Sổ có dấu xác nhận của Sở Giao thông vận tải hay không.
Thứ hai, doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ phải tốn thêm khoản chi phí không nhỏ để thực hiện thủ tục xin đóng dấu lên Sổ nhật trình chạy xe trong trường hợp Sổ tự in.
Bên cạnh đó, thủ tục đổi Sổ nhật trình chạy xe cũng cần được đơn giản hóa theo hướng bãi bỏ thủ tục. Bởi việc đổi Sổ nhật trình không nhằm mục đích nào khác ngoài phục vụ cho công tác theo dõi, quản lý thông tin của Sở Giao thông vận tải đối với hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhưng kèm theo đó, cơ quan quản lý sẽ chịu thêm gánh nặng không cần thiết cho việc lưu trữ, quản lý Sổ nhật trình đã sử dụng. Trong khi đó, việc này có thể hoàn toàn được thay thế bằng cơ chế hậu kiểm, tức là giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã tự quản lý, lưu trữ và có trách nhiệm cung cấp Sổ nhật trình chạy xe khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử phạt theo quy định. Hơn nữa, thủ tục này còn gây ra không ít phiền toái và đặc biệt tốn kém thời gian cho doanh nghiệp, hợp tác xã vì doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ có thể được đổi Sổ nhật trình mới sau khi nộp lại Sổ đã sử dụng cho Sở Giao thông vận tải, như vậy phương tiện không thể hoạt động nếu không có Sổ nhật trình trong thời gian chờ đổi Sổ mới.
Chính vì vậy, thủ tục cấp, đổi Sổ nhật trình chạy xe là không cần thiết, nên bãi bỏ. Bộ Giao thông vận tải chỉ quy định hình thức, mẫu Sổ nhật trình chạy xe và hướng dẫn cách ghi các thông tin trong Sổ để doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tự in Sổ. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không tự in Sổ có thể đăng ký với Sở Giao thông vận tải để được cấp với thủ tục đơn giản (thông qua Giấy đề nghị cấp Sổ nhật trình chạy xe, trong đó có nêu rõ số lượng Sổ được cấp). Doanh nghiệp, hợp tác xã tự đóng dấu lên Sổ, lưu trữ Sổ và cung cấp Sổ theo quy định. Như vậy vừa giúp giảm bớt phiền hà thủ tục hành chính, vừa giúp giảm chi phí tuân thủ thủ tục không cần thiết cũng như gánh nặng quản lý của Sở Giao thông vận tải, đồng thời nâng cao tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Phùng Thị Thu Hà
Phòng KSTTHC khối Kinh tế ngành