Vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ trong giải quyết chế độ cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

26/11/2014

Vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ trong giải quyết chế độ cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (15-05-2013)

Xác định rõ hơn các đối tượng và chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đồng thời giới hạn thời gian xác nhận thời gian hoạt động kháng chiến của người bị nhiễm chất độc hóa học là những điểm mới của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

 

Việc quy định rõ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1961 đến 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học và do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp: mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; sinh con dị dạng, dị tật; vô sinh sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền thuận lợi hơn trong quá trình xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đặc biệt khắc phục được một phần các tiêu cực phát sinh trong thời gian qua. Mặc dù vậy, quy định giải quyết chế độ chính sách cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vẫn còn khó khăn, phức tạp trong quá trình thực hiện.

Điều kiện xác nhận bệnh, tật thiếu tính khả thi

Pháp lệnh số 04 cũng như Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định đối tượng tham gia kháng chiến bị mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định phải do nhiễm chất độc hóa học.Tuy nhiên, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, con người có thể bị phơi nhiễm với nhiều chất độc hại do môi trường sống và nguồn thực phẩm bị ô nhiễm. Trong khi đó, để xác định nguyên nhân gây bệnh có phải do chất độc hóa học hay không lại không thể làm xét nghiệm máu cho nạn nhân do chi phí xét nghiệm quá đắt, khoảng 1000USD và có thể còn phải gửi mẫu ra nước ngoài (Đức, Nhật, Canada…) mới làm xét nghiệm được. Điều này dẫn đến khó khăn cho các cơ sở y tế cũng như Hội đồng giám định y khoa khi đưa ra kết luận nạn nhân bị bệnh do dioxin gây ra, kể cả khi xét nghiệm thấy có nồng độ doxin cao.

Hiện nay, ở Việt Nam có 4 labo có thể phân tích mẫu sinh phẩm, với chi phí khoảng 10 triệu đồng/mẫu nhưng năng lực phân tích còn hạn chế và cũng chưa có địa phương nào làm xét nghiệm máu để xác nhận đối tượng bị bệnh do chất độc hóa học. Do vậy, việc quy định điều kiện đối với đối tượng bị mắc bệnh phải do bị nhiễm chất độc hóa học là thiếu thực tiễn, có thể dẫn đến sự tùy tiện, tiêu cực khi xác nhận bệnh, tật cho người tham gia kháng chiến để họ được hưởng chính sách.

 

Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Chuyên gia dự án Giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin thông qua can thiệp y tế công cộng tại các điểm nóng của Việt Nam khẳng định: “Không có cơ sở y tế nào có đủ năng lực để chứng minh bị mắc bệnh tật là do dioxin mà chỉ có thể kết luận là bị mắc bệnh gì thôi” –

Ông Trần Văn Thụy Giám đốc Trung tâm giám định y khoa Bắc Giang nhận định: “Không chỉ những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học bị mắc các bệnh theo danh mục bệnh tật Bộ Y tế quy định tại Quyết định 09/2008/QĐ-BYT mà mọi người đều có thể bị mắc phải các bệnh này”

 

Bỏ sót đối tượng được hưởng chính sách

Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định 05 nhóm đối tượng xác nhận tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gồm: Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân đang tại ngũ; cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; thanh niên xung phong tập trung; công an xã, dân quân, du kích, tự vệ, dân công, cán bộ thôn, ấp, xã, phường nhằm xác định trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng. Tuy nhiên, Nghị định lại chưa quy định đối tượng là cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam và thuộc lực lượng công an nhân dân đã xuất ngũ, về hưu.

Trong khi đó, đối tượng tham gia kháng chiến tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học nhưng đã xuất ngũ, về hưu chiếm một số lượng không nhỏ với độ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, thường hay mắc bệnh hiểm nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn và rất cần sự quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần của nhà nước và xã hội.

Hồ sơ làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi còn quy định phức tạp, nhiều giấy tờ không cần thiết

Bên cạnh những điểm bất cập nêu trên thì hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng chế độ ưu đãicòn rườm rà, phức tạp. Một trong những giấy tờ phải nộp là giấy tờ chứng minh có thời gian tham gia kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học. Đó là: Lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân được lập trước ngày 01/01/1995; quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng. Đây chính là điều kiện cần để giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng. Tuy nhiên, những loại giấy tờ này thường không được các đối tượng lưu giữ đầy đủ, thậm chí còn bị mất, thất lạc. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cần quy định các giấy tờ thay thế các giấy tờ này như Giấy xác nhận của BCH quân sự cấp tỉnh cho đối tượng đi B, C, K hoặc Sổ trợ cấp cho thân nhân của quân nhân tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam trước 30/4/1975.

Ngoài ra, các giấy tờ không cần thiết cũng cần được loại bỏ khỏi thành phần hồ sơ, như Giấy xác nhận bệnh, dị dạng, dị tật của Giám đốc Sở Y tế cấp cho đối tượng vì trước đó Hội đồng giám định y khoa đã thực hiện giám định và có kết luận về tình trạng bệnh, dị dạng, dị tật của đối tượng. Quy định thêm thành phần hồ sơ không cần thiết sẽ dẫn đến phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ gây tốn kém thời gian, tiền bạc của người được hưởng chính sách cũng như cơ quan nhà nước.

Cải cách thủ tục để tạo thuận lợi hơn cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

Để được hưởng trợ cấp, các đối tượng chỉ cần đáp ứng điều kiện sau:

Điều kiện cần: Đối tượng đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 01/8/1961 đến 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học ở các chiến trường B, C, K và 10 xã thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Điều kiện đủ: Bị mắc bệnh theo danh mục Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên hoặc vô sinh hoặc sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định

 

Ngoài việc cắt bỏ những giấy tờ không cần thiết thì việc quy định trình tự, thời hạn giải quyết, yêu cầu điều kiện một cách rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện là hết sức cần thiết và tạo thuận lợi cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước cũng như để các cơ quan nhà nước có thể giải quyết chế độ trợ cấp đúng đối tượng.

Theo phương án cải cách này, đối tượng khi làm thủ tục để hưởng trợ cấp sẽ không cần phải nộp các loại giấy tờ như Bản sao bệnh án điều trị tại cơ sở y tế có thẩm quyền, Giấy chứng nhận bệnh tật, dị dạng, dị tật do phơi nhiễm chất độc hóa học của Giám đốc Sở Y tế hoặc của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Những giấy tờ này thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng giải quyết hoặc được ghi nhận tại các văn bản do các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cung cấp hoặc xác nhận.

Quy định quy trình giải quyết đặt tại bộ phận một cửa của UBND cấp xã và thời hạn giải quyết thủ tục tối đa là 60 ngày làm việc sẽ giải quyết nhanh, gọn quyền lợi cho người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học mà vẫn đảm bảo phân cấp phù hợp với phạm vi chức năng quản lý và thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.

Bên cạnh đó, do đặc thù của nhóm đối tượng này là tuổi đã cao (khoảng trên 60 tuổi), sức khỏe yếu, thường hay mắc bệnh hiểm nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn địa phương thành lập tổ công tác chuyên trách để giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng là người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với tinh thần chủ động rà soát, lập danh sách và xác nhận cho các đối tượng đã tham gia hoạt động chiến đấu tại các chiến trường B,C, K và 10 xã của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trên cơ sở các giấy tờ do các đối tượng nộp hoặc căn cứ vào Sổ quản B (Sổ trợ cấp cho thân nhân của quân nhân tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam trước 30/4/1975).  

Việc quy định thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ thực hiện mới chỉ là những cải cách bước đầu để giải quyết chế độ, chính sách đối với những người có công với cách mạng. Chất lượng giải quyết chế độ, chính sách mới là quan trọng nhất. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đảm bảo đúng, đủ, không bỏ sót đối tượng và theo đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"./.

                                         Viết Hữu 

Phòng Kiểm soát TTHC khối KGVX

 

 
 
 
Xem 3643 lần Chỉnh sửa lần cuối vào 12:48 15/05/2013