Cải cách thủ tục hành chính về Hải quan - Giải pháp tích cực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

26/11/2014

Kỳ 1:

Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng cao. Những năm qua, tuy đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng, nhất là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về quy định và thực hiện TTHC nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm cuối của bảng xếp hạng.

Đối với ngành Hải quan, trong những năm qua đã không ngừng cải cách TTHC như áp dụng hải quan điện tử, áp dụng quản lý rủi ro, hiện đại hóa hầu hết các khâu nghiệp vụ hải quan từ khi khai báo hàng hóa đến khi thu thuế hải quan. Bên cạnh đó, các giải pháp để nâng cao tính tuân thủ cũng đã được áp dụng như mở rộng các hoạt động đại lý hải quan, công nhận nhiều doanh nghiệp đạt Chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên. Tuy nhiên,năm 2012, Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN và Ngân hàng Thế giới tổ chức họp báo công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” thì 4 lĩnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.

 

Các Ngành có tỉ lệ tham nhũng cao trong năm 2012 (theo quan điểm của CBCC, doanh nghiệp và người dân)

Nguồn: Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học     

 

Bài toán đặt ra đối với các cấp quản lý hải quan là làm sao nhận dạng được những điều kiện, môi trường có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực. Theo kinh ngiệm của nhiều quốc gia, cải cách TTHC hải quan theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và tuân thủ chuẩn mực quốc tế là giải pháp hiệu quả, thiết thực nhất để góp phần hạn chế các hành vi trục lợi khi giải quyết các thủ tục hải quan.

 

Nhận định các loại tiêu cực, tham nhũng chính trong ngành Hải quan

Có thể nhận thấy ở nước ta, tiêu cực, tham nhũng trong ngành Hải quan gồm có mấy loại chính như sau:

Thứ nhất, là thói quen tham nhũng. Trong đó, doanh nghiệp đưa tiền hối lộ cho cán bộ, công chức Hải quan để có được việc thông quan bình thường hoặc để thông quan nhanh đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, khách xuất nhập cảnh. Thói quen tham nhũng thường gắn liền với TTHC phức tạp và hành vi đạo đức nghề nghiệp của công chức thực thi. Nếu một TTHC mà phải qua nhiều khâu và do các công chức kém đạo đức nghề nghiệp thực hiện thì doanh nghiệp phải có những khoản “chi” nhất định để TTHC được giải quyết nhanh nếu muốn hàng hóa được thông quan nhanh. Để hạn chế thói quen này, cơ quan Hải quan đang tiến hành công bố và công khai tất cả các TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện nay, ngành Hải quan đã công bố 178 TTHC được thực hiện tại 3 cấp từ Tổng cục, Cục và Chi cục Hải quan. Trong đó đã nêu rõ thời hạn và thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục để doanh nghiệp và người dân biết và thực hiện.

Thứ hai, là thông đồng để tham nhũng. Theo đó, các doanh nghiệp thông đồng với nhân viên Hải quan để thực hiện các hành vi gian lận thương mại khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Đây là hành vi thường hay xảy ra nhưng phần lớn là do sự gợi ý mua chuộc của người khai báo hải quan khi làm thủ tục hải quan. Sự thông đồng thường thấy ở khâu kiểm tra hàng hóa. Theo đó, thay vì phải khai báo đầy đủ số lượng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, doanh nghiệp khai giảm số lượng để gian lận thuế. Nhân viên hải quan thừa hành nghiệm vụ thông đồng với doanh nghiệp để được giảm thuế nhờ khai báo số lượng hàng hóa ít hơn thực tế. Để hạn chế các trường hợp này, cơ quan Hải quan thường sử dụng các biện pháp như áp dụng hải quan điện tử, chuẩn hóa mã số hàng hóa, tăng cường kiểm tra sau thông quan và đặc biệt là áp dụng quản lý rủi ro để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gian lận thuế.

Thứ ba, thông quan hàng cấm, hàng lậu, hàng bị hạn chế xuất, nhập khẩu. Đây là tội phạm tham nhũng. Loại tội phạm này tuy ít nhưng khi xảy ra sẽ gây nguy hại đến an ninh, an toàn của quốc gia. Một số đối tượng mua chuộc, hối lộ nhân viên Hải quan để đưa bất hợp pháp hàng cấm, hàng lậu, hàng hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu… qua biên giới. Thực tế đã có một số nhân viên hải quan đã cố tình coi thường pháp luật hải quan, câu kết với các đối tượng để hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu vào nước ta. Để phòng, chống các trường hợp thông quan bất hợp pháp nói trên, cơ quan Hải quan đã tăng cường công tác xây dựng lực lượng, chọn lựa đội ngũ công chức có tâm huyết, bản lĩnh, có trình độ chuyên môn; tăng cường phối hợp với các lực lượng và nhân dân; đồng thời đầu tư các trang thiết bị hiện đại để kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu.

 

Các điều kiện, khâu thực hiện TTHC trong lĩnh vực hải quan thường có tiêu cực, tham nhũng

Thứ nhất, là khâu khai báo thuế suất. Các đối tượng thường sử dụng Biểu thuế suất như là một yếu tố quan trọng tạo nên tiêu cực, tham nhũng. Các doanh nghiệp nhận thấy việc phân chia thuế suất thành nhiều loại khác nhau là cơ hội để họ cấu kết với nhân viên hải quan nhằm chọn lựa mức thuế suất thấp nhất khi khai báo cho cơ quan Hải quan. Tuy việc khai báo là do doanh nghiệp tự kê khai nhưng do có sự thông đồng với nhân viên hải quan nên việc kiểm tra trong khi làm thủ tục hải quan dễ bị bỏ qua.

Bên cạnh đó, thuế suất ưu đãi cũng là yếu tố để doanh nghiệp tìm cách câu kết với nhân viên hải quan, hợp pháp hóa chứng từ để có thể hưởng một số đặc quyền về thuế. Kinh nghiệm cho thấy thuế suất càng cao thì hành vi buôn lậu diễn ra càng nhiều. Biểu thuế suất phân chia nhiều mức độ chênh lệch là căn nguyên tạo ra tham nhũng, tiêu cực do có nhu cầu lợi dụng mức thuế thấp để gian lận thuế và “ăn chia” giữa công chức Hải quan và doanh nghiệp. Thực tế vẫn có nhiều vướng mắc phát sinh giữa Hải quan và doanh nghiệp mà chủ yếu là do có sự khác nhau về mức thuế giữa các mặt hàng dễ lẫn lộn, mặt hàng phức tạp, khó phân biệt, khó xác định dẫn đến doanh nghiệp khai báo chưa đúng hoặc cố tình khai báo không đúng. Nếu có sự tiếp tay của công chức hải quan thì đây chính là môi trường cho tiêu cực, tham nhũng phát sinh.

Thứ hailà khâu Phân loại hàng hóa. Việc phân loại và áp mã số hàng hóa (mã HS) chưa cụ thể, chưa rõ ràng đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng, móc nối với nhân viên hải quan để tiêu cực, tham nhũng số tiền thuế khi thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Do khâu phân loại không chính xác như vậy đã dẫn đến mức thuế suất có thể được thay đổi tùy tiện phụ thuộc vào sự thỏa thuận ngầm giữa các đối tượng và công chức Hải quan để ăn chia tiền thuế lẽ ra phải được thu về cho Ngân sách nhà nước. Việc hiện nay còn một số Bộ chậm trễ ban hành các mã HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện cũng là một trong những yếu tố để các đối tượng lợi dụng và tiêu cực.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc áp dụng mã HS khác nhau cho cùng một mặt hàng là do có quá nhiều mức thuế trong Biểu thuế. Để khắc phục tồn tại này thì cần ưu tiên và sớm xây dựng Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi với các mức thuế suất của Biểu thuế NK ưu đãi được cắt giảm thích hợp và mức thuế suất bình quân cũng nên được cắt giảm phù hợp.

Thứ ba, là khai Xuất xứ hàng hóa. Việc xác định xuất xứ hàng hóa (C/O) chính xác để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế còn nhiều bất cập, còn thực hiện bằng thủ công, chưa hiện đại, chưa chặt chẽ, chưa thống nhất nên cũng là cơ hội cho tham nhũng. Nước ta đã ký các hiệp định thương mại CEPT/FTA với nhiều nước, do đó doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực cũng phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng do sự dung túng, thỏa hiệp của một số nhân viên Hải quan với doanh nghiệp. Bất cập hiện nay là vẫn còn tình trạng xác định sai bản chất của C/O của không ít công chức hải quan thừa hành mà nguyên nhân xuất phát từ tham nhũng, tiêu cực là không loại trừ. Cùng với ngày càng nhiều nước, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam thông qua tham những, tiêu cực và sự sơ hở của công chức hải quan để lợi dụng, gian lận thì việc khai sai C/O mang lại hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp chân chính và làm tổn hại đến thương hiệu hàng hóa Việt Nam khi thâm nhập thị trường thế giới.

Thứ tư, là khâu thủ tục hải quan.Thủ tục hải quan thủ công (mở tờ khai, nộp thuế, lệ phí…) nếu không được thay đổi bằng phương thức điện tử thì tham nhũng trong khâu này sẽ rất khó kiểm soát. Ở nước ta, năm 2013 sẽ áp dụng thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Đây là điều kiện để hạn chế tham nhũng trong ngành Hải quan. Tuy nhiên, các công cụ hỗ trợ thông quan như máy soi contaniner, camera, cân điện tử, seal thông minh… tại các cảng biển, cửa khẩu đường không, đường bộ… còn thiếu nên làm hạn chế tốc độ, sự chính xác khi thông quan hàng hóa. Do đó, cũng dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, đối với hàng cấm, hàng hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu… nếu không có phương tiện hiện đại kiểm tra, soi chiếu để minh bạch hóa kết quả kiểm tra thì đây là mảnh đất cho tham nhũng, tiêu cực phát sinh. Bên cạnh đó, các thủ tục hải quan, nhất là thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu còn rườm rà, phức tạp, thiếu chuẩn mực cũng là mầm mống của tiêu cực, tham nhũng.

Thứ năm, là việc Phân vùng lãnh thổ hải quan.Việc phân chia Hải quan theo vùng, lãnh thổ, bố trí Chi cục Hải quan tại mỗi nơi nếu không hợp lý sẽ gây ra tình trạng các giao dịch hải quan bị dồn ứ tại một vài Chi cục khiến cho doanh nghiệp phải chờ đợi để được làm thủ tục thông quan. Đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh tiêu cực giữa doanh nghiệp với nhân viên Hải quan để được làm thủ tục thông quan nhanh.

Ngoài ra, trình độ nhận thức, trình độ nghiệp vụ của công chức hải quan còn hạn chế chưa chuyên nghiệp làm ảnh hưởng đển độ chính xác và phân loại đối tượng khi thông quan hàng hóa; cùng với thái độ, trách nhiệm của công chức hải quan khi thực thi nhiệm vụ chưa nghiêm túc, chưa văn minh, chưa công bằng, chưa tận tâm… cũng là yếu tố để kẻ xấu lợi dụng, móc ngoặc nhằm thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng khi có một số tác nhân khác tác động.

 

                                                                                      Trần Thoang, Cục Kiểm soát TTH