Chế định Thừa phát lại – dưới góc độ cải cách thủ tục hành chính

21/01/2015

Trên cơ sở Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, ngày 24/7/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Quatổng kết cho thấy hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực; sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan thi hành án của nhà nước đã tạo điều kiệnđể người dân có thêm sự lựa chọnphù hợpvới năng lực, điều kiện của cá nhân, tổ chứckhi yêu cầu thi hành ándân sự.Từ kết quả này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại được thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long).

 

Ngày 04/12/2014, Hội nghị sơ kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội nghị, Báo cáo sơ kết việc tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại đã nêu rõ một số kết quả tích cực, những khó khăn, bất cập và giải pháp để tăng cường xã hội hóa hoạt động này.

Việc tổng kết thí điểm chế định này sẽ được thực hiện vào Quý III/2015 và hướng tới chuẩn bị điều kiện cần thiết để đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây. Vậy, nếu chế định này được tiếp tục thực hiện và mở rộng trên phạm vi toàn quốc thì vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC) như thế nào nhằm đẩy mạnh xã hội hóa cho hoạt động này cũng cần được quan tâm thực hiện.

Hoàn thiện quy định TTHC liên quan đến Thừa phát lại

Theo quy định hiện hành thì chế định về Thừa phát lại chưa thật sự mang thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện.

Về thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ Thừa phát lại

Để được bổ nhiệm Thừa phát lại thì người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và nộp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP gồm: Đơn xin bổ nhiệm làm Thừa phát lại; giấy chứng nhận sức khỏe; lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp; bản sao các văn bằng, chứng chỉ và các tài liệu chứng minh không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở kết quả bổ nhiệm thì Bộ Tư pháp cấp thẻ Thừa phát lại.

Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư số 12/2014/TT-BTP ngày 26/4/2014 quy định về mẫu, nguyên tắc sử dụng trang phục, nguyên tắc cấpphát, sử dụng thẻ Thừa phát lại thì thủ tục cấp thẻ Thừa phát lại còn rườm rà, trùng lặp về thành phần hồ sơ đối với thủ tục bổ nhiệm Thừa phát lại (như sơ yếu lý lịch, các tài liệu chứng minh không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật), trong khi bản chất của thủ tục cấp thẻ chỉ mang tính kỹ thuật và dựatrên kết quả của thủ tục Bổ nhiệm thừa phát lại.Đồng thời,thời gian thực hiện 2 thủ tục này còn dài, phải mất tối đa là 45 ngày thì mới thực hiện xong thủ tục bổ nhiệmvà mất tối đa là 15 ngàyđối với thủ tục cấp thẻ.Trên cơ sở đó, đề nghị gộp hai thủ tục này làm một thủ tục, giảm bớt thành phần hồ sơ theo hướng kế thừa kết quả thực hiện thủ tục trước, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nhằm giảm chi phí về thời gian, tiền của cho người dân khi thực hiện thủ tục này là một giải pháp tạo thuận lợi cho người thực hiện.

Về thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

Để thành lập Văn phòng Thừa phát lại thì phải có điều kiện như trụ sở văn phòng Thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động; Tổ chức bộ máy theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP. Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại bao gồm Đơn đề nghị thành lập văn phòng Thừa phát lại; Đề án thành lập văn phòng Thừa phát lại; Kèm theo đề án phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập văn phòng Thừa phát lại quy định nêu trên; Bản sao quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở. Tuy nhiên, trong thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động thì Văn phòng Thừa phát lại phải tiếp tục nộp những giấy tờ đủ điều kiện thành lập. Việc quy định như vậylà không cần thiết, không phù hợp.

Đồng thời, để thực hiện thủ tục thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải ký hợp đồng thuê trụ sở làm việc đảm bảo theo đúng quy định và ký hợp đồngvới Thừa phát lại hoặc với cá nhân (thư ký nghiệp vụ, nhân viên hành chính, kế toán), trong khi Văn phòng đang được xem xét thành lập và còn phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động thì mới đi vào hoạt động. Do đó, tổ chức sẽ bị thiệt hại nếu không được phép thành lập hoặc sẽ bị mất chi phí lớn phục vụ cho việc đáp ứng điều kiện thành lậpkhi chưa được hoạt động.

Trên cơ sở đó, đề nghị quy địnhviệc phải nộp giấy tờ chứng minh về trụ sở, hợp đồng lao động chỉ nên thực hiện khi đã được thành lập và thực hiện tại thủ tục đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại (giống như quy định về thành lập, đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng, tổ chức hành nghề luật sư, Văn phòng giám định tư pháp). Đồng thời, cũng nên bổ sung thêm quy định là trường hợp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại bị mất, rách, mát không sử dụng được thì Văn phòng được đề nghị cấp lại giấy đăng ký hoạt động (khoản 3, Điều 18, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP).

Mặt khác, khi nghề Thừa phát lại được phổ biến, các Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động nhiều hơn thì cũng cần có quy định thu một số lệ phí để thực hiện thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, cấp lại thẻ Thừa phát lại, thủ tục cho phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động, cấp lại giấy đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại nhằm bù đắp một phần cho ngân sách nhà nước để thực hiện các công việc này.

Thực hiện thủ tục tống đạt văn bản, giấy tờ

Theo quy định của Điều 21 Nghị định 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP), Văn phòng Thừa phát lại có quyền thực hiệntống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn cấp tỉnh hoặc ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; các quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự có thể thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác.

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì thủ tục tống đạt văn bản, giấy tờ của cơ quan thi hành án, Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự. Luật Thi hành án dân sự và Luật tố tụng dân sự đều quy định, trừ trường hợp giao văn bản trực tiếp cho người cần tống đạt, các trường hợp khác đều phải có người chứng kiến (giao gián tiếp) hoặc có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường. Theo quy trình thì Thừa phát lại hoặc Thư ký nghiệp vụ khi tống đạt phải tìm đúng người được tống đạt, nếu không gặp người được tống đạt thì có thể giao cho người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và ở cùng nơi cư trú. Trường hợp này phải lập biên bản có người chứng kiến, thông thường là Tổ trưởng Tổ dân phố (và tương đương). Biên bản này phải được đóng dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường. Tuy nhiên, khi thực hiện một số UBND địa phương không đồng ý đóng dấu lên văn bản do họ không trực tiếp chứng kiến người được tống đạt ký nhận văn bản, họ cũng không có thời gian đi cùng Thừa phát lại thực hiện tống đạt. Dẫn đến việc tống đạt chưa đạt. Do vậy, cần phải quy định rõ trách nhiệm của UBND địa phương trong việc hỗ trợ, phối hợp với Thừa phát lại thực hiện nhiệm vụ này.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 24 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) thì một Cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Tòa án chỉ được ký hợp đồng tống đạt với một Văn phòng Thừa phát lại. Một văn phòng Thừa phát lại có quyền ký hợp đồng tống đạt với nhiều Cơ quan thi hành án dân sự hoặc nhiều Tòa án.Trong khi đó việc tống đạt phải đảm bảo tuân thủ hàng loạt các yêu cầu nghiêm ngặt theo quy định của Luật thi hành án dân sự và pháp luật tố tụng về thời hạn, thời hiệu. Đồng thời, số lượng các văn bản, giấy tờ mà các Cơ quan thi hành án dân sự, Toà án ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại phải tống đạt là không nhỏ; đặc biệt là các trường hợp phải tống đạt ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa phải đi nhiều ngày (luật chưa quy định cho phép Thừa phát lại tống đạt qua đường bưu điện). Từ đó có thể dẫn đến, Văn phòng Thừa phát lại này làm quá nhiều việc và có thể không hoàn thành nhiệm vụ; trong khi đó Văn phòng Thừa phát lại khác ít việc làm.Ví dụ ở Hà Nội, ngoài Văn phòng Thừa phát lại quận Hoàn Kiếm ký được hợp đồng tống đạt văn bản với Tòa án nhân dân thành phố và thực hiện được 1.000 văn bản thì 7 Văn phòng còn lại mới chỉ dừng ở việc ký hợp đồng với cơ quan thi hành án dân sự, kết quả thực hiện còn khiêm tốn. Theo đó, với quy định nêu trên sẽ có thể nảy sinh cơ chế “xin-cho” trong việc lựa chọn ký hợp đồng dịch vụ giữa Cơ quan Thi hành án, Tòa án với Văn phòng Thừa phát lại. Để giải quyết vướng mắc này, trong thời gian tới, dự thảo Luật Thừa phát lại không nên quy định cứng nhắc là Cơ quan thi hành án, Toà án chỉ được ký hợp đồng tống đạt với một Văn phòng Thừa phát lại, mà cho phép trong trường hợp đặc biệt, vì yêu cầu của công việc tống đạt mà Cơ quan thi hành án dân sự, Toà án có thể ký hợp đồng theo vụ việc với một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại khác với Văn phòng mà mình đã ký hợp đồng nguyên tắc để tống đạt các loại giấy tờ.

Thực hiện xác minh điều kiện thi hành án

Theo quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 thì việc xác minh điều kiện thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện (trước đây, cơ quan thi hành án chỉ xác minh điều kiện thi hành án đối với trường hợp ra quyết định thi hành án chủ động hoặc có đơn yêu cầu của đương sự; còn đương sự phải có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án). Theo đó, việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại trên cơ sở yêu cầu của đương sự sẽ không còn. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng cho cơ quan thi hành án thì dự thảo Luật Thừa phát lại cũng nên quy định cơ quan thi hành án dân sự có thể ký hợp đồng dịch vụ với Văn phòng Thừa phát lại về nội dung này.

Công bố, công khai TTHC liên quan đến Thừa phát lại

Hiện nay các TTHC trong lĩnh vực thi hành án dân sự được công bố từ năm 2010 (Quyết định số 977/QĐ-BTP ngày 31/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc công bố cập nhật,sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp) với 21 TTHC, trong đó có 7 TTHC về Thừa phát lại (Bổ nhiệm Thừa phát lại, Cấp thẻ Thừa phát lại, Miễn nhiệm Thừa phát lại, Thành lập Văn phòng Thừa phát lại, Đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại đề nghị cưỡng chế thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại nhận tống đạt giấy tờ, tài liệu của cơ quan thi hành án). Tuy nhiên, các TTHC này đã có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các văn bản QPPL mới ban hành. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần phải thực hiện công bố lại các TTHC này, nhập, đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và niêm yết công khai tại cơ quan, tổ chức trực tiếp giải quyết TTHC theo quy định của Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp Hướng dẫn công bố, niêm yết TTHC và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC để cá nhân, tổ chức biết và thực hiện.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính của Văn phòng Thừa phát lại

Theo quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) thì Văn phòng Thừa phát lại được quyền thực hiện 4 hoạt động, cụ thể là lập vi bằng; tống đạt văn bản, giấy tờ; xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thực hiện thi hành án. Trong quá trình thực hiện các hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại đã đạt được kết quả khá tốt, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, được người dân, xã hội đánh giá cao, đặc biệt là đã có nhiều vi bằng được sử dụng để làm căn cứ trong xét xử và thực hiện các giao dịch, kể cả trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, tại trọng tài nước ngoài, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại chưa đồng đều giữa các mặt, mới chủ yếu là lập vi bằng, tống đạt văn bản, còn việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chưa nhiều, hiệu quả chưa cao; hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại còn những thiếu sót, sai phạm.

Để tăng cường tính hiệu quả trong quá trình phục vụ cá nhân, tổ chức của Văn phòng Thừa phát lại cần phải đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại, Thư ký và năng lực quản lý, điều hành Văn phòng của các Thừa phát lại, đặc biệt là về những quy định mới, hướng dẫn mới, những nội dung phức tạp, dễ sai sót, vi phạm trong hành nghề; tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho Thừa phát lại thực hiện hành nghề; Thừa phát lại cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; các cơ quan, tổ chức có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tạo điều kiện cho Thừa phát lại hoàn thành nhiệm vụ.

 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Thừa phát lại

Ban Chỉ đạo, các cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Thừa phát lại để kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm để kiến nghị, yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại rút kinh nghiệm, khắc phục hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số thực trạng và kiến nghị giải pháp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự  dưới góc độ cải cách thủ tục hành chính. Mong rằng trong thời gian tới, chế định Thừa phát lại sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước để phục vụ xã hội và người dân trong một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.Bài viết là những nhận định, kiến nghị của cá nhân tác giả, rất mong nhận được sự quan tâm góp ý của độc giả./.

Nguyễn Trà My

Phòng KSTTHC khối Nội chính