Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương – Thực trạng và một số đề xuất, kiến nghị

18/12/2014

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên thực tế là cách thức cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức và là một biện pháp quan trọng để cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế này cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc bất cấp rất cần được nghiên cứu, tháo gỡ

Để góp phần làm thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương các cấp, nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân, ngày 22 tháng 6 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, các địa phương đã tổ chức tốt việc quán triệt, triển khai bao gồm các công việc, như: tuyên truyền, học tập, xây dựng đề án, chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí nhân lực, rà soát, lựa chọn và ban hành danh mục các công việc, lĩnh vực và thủ tục hành chính để triển khai thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; niêm yết, công khai các loại thủ tục hành chính, các quy định, mức thu phí, lệ phí để thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức biết và thực hiện.

Nhìn chung, trong phạm vi cả nước hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, trong đó: Cấp xã có 10.754 trên tổng số 11.111 đơn vị đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 96,7 %; cấp huyện có 686 trên tổng số 697 đơn vị đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 98,5 %; cấp tỉnh có 1.106 trên tổng số 1.252 đơn vị (sở, ban, ngành) đã triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 88,3 %.

Việc bố trí và thực hiện công tác quản lý Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các địa phương cơ bản theo đúng quy định của Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, trong đó: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đặt tại Văn phòng của cơ quan chuyên môn, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện đặt tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp xã đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân.

Các địa phương đã có sự quan tâm đầu tư xây dựng phòng làm việc và mua sắm trang thiết bị cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đối với cấp tỉnh, cấp huyện về cơ bản đã có phòng làm việc khang trang, có chỗ cho cá nhân, tổ chức tới giao dịch công việc, được trang bị máy tính, máy photocopy. Phần lớn các tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí cho cấp xã để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, xây mới phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị. Đến nay, đã có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại 145 cơ quan hành chính cấp huyện, như: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh …

Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được lựa chọn cơ bản là những người có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng được yêu cầu công việc, đồng thời được tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận này. Tính đến nay, nhiều địa phương đã bố trí được đầy đủ cán bộ, công chức chuyên trách tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trong đó: cấp tỉnh có từ 01 đến 03 công chức chuyên trách, cấp huyện có từ 03 đến 05 công chức chuyên trách, cấp xã có từ 01 đến 02 cán bộ, công chức chuyên trách, do đó đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung, phần lớn cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã thể hiện được rõ tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, được cá nhân, tổ chức đến thực hiện giao dịch công việc đánh giá tốt.

Việc hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được quan tâm thực hiện. Nhiều địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương mình đã bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ này với mức từ 500.000 đến 700.000 đồng/người/tháng như: Hà Nội, Đà Nẵng. Ngoài ra, các địa phương cũng bố trí nguồn tài chính dành cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện việc chuyển hồ sơ cho công dân và tổ chức theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông từ cấp xã đến cấp huyện hoặc cấp tỉnh.

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được các địa phương áp dụng với các lĩnh vực công việc và thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới cá nhân, tổ chức, như: đất đai, đăngký kinh doanh, hộ tịch, lao động – thương binh và xã hội, xây dựng, chứng thực, thuế, hải quan … Tính đến nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã thực hiện theo cơ chế một cửa với hơn 100 thủ tục hành chính tại 5 đến 7 lĩnh vực như: chứng thực, hộ tịch, chính sách xã hội, xây dựng, địa chính, giải quyết việc làm, đăng ký cư trú; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trung bình là 7 lĩnh vực nh: đất đại, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng thực, hộ tịch, chính sách xã hội, xây dựng, thuế, thu ngân sách … ; các sở, ngành cấp tỉnh thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa các lĩnh vực: đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, thuế, bảo hiểm xã hội …, một số cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương cũng đã thực hiện cơ chế một cửa như: Bảo hiểm xã hội, Kho bạc, Thuế, Công an.

Về cơ chế một cửa liên thông, hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức thực hiện ít nhất từ một lĩnh vực là đăng ký kinh doanh tới nhiều lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, lao động – thương binh và xã hội, qua nhiều cấp hành chính từ cấp xã tới cấp huyện và cấp tỉnh. Ở một số địa phương đã thực hiện liên thông giữa cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện với cơ quan ngành dọc cùng cấp như: Thuế, Kho bạc, Công an trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, hộ tịch …

Qua thực tiễn triển khai thực hiện cho thấy, việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông là giải pháp hữu hiệu thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc. Thông qua đó, tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn, chống tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức; cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu giao dịch công việc không còn cảm giác ngại ngần khi tiếp xúc với các cơ quan hành chính. Đồng thời, từng bước tách dần công việc quản lý chuyên sâu với các công việc sự vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý của cơ quan hành chính nhà nước và giải quyết tốt nhất các công việc liên quan tới cá nhân, tổ chức.

Trong điều kiện của các địa phương hiện nay, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông giúp cho việc sắp xếp, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của cơ quan nhà nước, hình thành môi trường làm việc lành mạnh, nghiêm túc, trang trọng của cơ quan công quyền. Góp phần phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, qua đó từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết các công việc cho tổ chức và cá nhân. Qua đó, sự hài lòng, tin tưởng của người dân, tổ chức trong và ngoài nước vào chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và nhà nước được tăng cường.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên thực tế hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, cụ thể như sau:

Thứ nhất, chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ở một số địa phương còn thấp, có nơi thực hiện mang tính hình thức. Việc thực hiện các thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực như đất đai, đăng ký kinh doanh, xây dựng, đầu tư … còn gặp khó khăn, gây bức xúc cho người dân, vẫn còn nhiều hồ sơ giải quyết không đúng hẹn làm người dân phải đi lại nhiều lần và phải mất những khoản chi phí ngoài quy định. Có nơi người dân, tổ chức vẫn còn phải gặp cán bộ, công chức chuyên môn sau khi đã nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Thứ hai, mô hình tổ chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một số địa phương còn có sự khác nhau. Đa số các địa phương đã tổ chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp theo mô hình tập trung được quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, đó là thuộc Văn phòng các sở ở cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở cấp huyện và tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, có một số địa phương đã sắp xếp và tổ chức lại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện theo hướng tách việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường), hoặc thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, chứng thực chuyển về Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Tương tự như vậy, tại một số địa phương, ở cấp xã tuy có bố trí Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhưng một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng người dân dân vẫn phải nộp hồ sơ trực tiếp cho cán bộ, công chức chuyên môn. Có một số sở, ngành thuộc tỉnh cũng tổ chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đối với từng lĩnh vực công việc tại các phòng chuyên môn của sở, ngành đó. Qua đó cho thấy, mô hình tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông chưa có sự đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước. 

Thứ ba, thủ tục hành chính thuộc các  lĩnh vực được thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông còn ít cả về số lượng thủ tục lẫn lĩnh vực thực hiện. Đồng thời, có sự khác nhau về số lượng thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực được thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp ở từng địa phương.

 Thứ tư, tính liên thông trong xử lý các công việc cho người dân và tổ chức còn thấp, dẫn đến mặc dù thực hiện liên thông nhưng người dân và tổ chức vẫn còn phải  đến nhiều nơi để giải quyết các thủ tục hành chính. Thực hiện liên thông giữa các cấp hành chính còn khó khăn, đặc biệt là liên thông giữa cơ quan hành chính ở địa phương với cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn thì phần lớn các địa phương chưa thực hiện được.

Thứ năm, các điều kiện bảo đảm thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại một số địa phương còn hạn chế. Trình độ cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một số nơi còn thấp; công tác tập huấn, thực hiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức tại bộ phận này tại một số địa phương chưa được quan tâm thỏa đáng nên ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên đó là:

Việc triển khai thực hiện ở địa phương thiếu thống nhất và bị chia cắt giữa các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước. Một số địa phương chưa giành sự quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, đôn đốc việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí cán bộ, công chức, xây dựng quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương để thực hiện có hiệu quả cơ chế này.

Các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước chưa chặt chẽ, có sự chia cắt giữa các cấp hành chính ở địa phương với các cơ quan ngành dọc của trung ương ở địa phương, do vậy việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông gặp nhiều khó khăn; trình độ cán bộ, công chức ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được chú trọng đúng mức.

Bên cạnh đó, một số nội dung trong Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg  đến nay không còn phù hợp với yêu cầu thực tế: khái niệm cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã có sự thay đổi; chưa quy định rõ các thủ tục hành chính phải thực hiện cơ chế một cửa liên thông … Đặc biệt, hiện nay Chính phủ giao Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên phạm vi cả nước (Điều 1, Điều 2 Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ). Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (Điều 16 Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg).

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên thì trước tiên rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương trong việc thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tập trung tại các cấp hành chính ở địa phương , theo đó cấp tỉnh, cấp huyện chỉ tổ chức một Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Văn phòng các sở, ngành và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Các Bộ, ngành Trung ương cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện trong giải quyết các công việc có liên quan trực tiếp tới người dân và tổ chức phải thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo đúng các quy định của pháp luật. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với từng ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của từng bộ, ngành để giảm bớt sự rườm rà, chồng chéo, phức tạp của các thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan hành chính của địa phương kiện toàn tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đặc biệt là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện. Quan tâm bố trí đủ nguồn lực (con người, điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động); tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính, về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Đồng thời, đẩy mạnh công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cơ chế này tại địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ hơn cho việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại địa phương, trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương Bộ Nội vụ cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg. Trong đó, để bảo đảm chất lượng mô hình một cửa liên thông, nên quy định giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định các thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa liên thông để triển khai thực hiện thống nhất trong cả nước. Đồng thời cũng giao Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động đề xuất với Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nhóm thủ tục hành chính đưa vào áp dụng cơ chế một cửa liên thông. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thống nhất đầu mối quản lý và tổ chức thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương./.

Nguyễn Thị Bích Ngân

Phòng KSTTHC khối Nội chính