Xây dựng nền hành chính ngành tài chính chuyên nghiệp, hiện đại

04/11/2021

Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu tiếp tục xây dựng nền hành chính ngành tài chính phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả.

Kế hoạch cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính giai đoạn 2021 - 2025 tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Xác định cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính ngành tài chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển ngành tài chính.
 
Bộ Tài chính là một trong những đơn vị dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính. Ảnh: LHQ

 
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực tài chính để cải cách, nâng cao chất lượng thể chế đồng bộ, minh bạch, hiện đại, hội nhập; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế lĩnh vực tài chính qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Đổi mới và nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng thống nhất, khả thi, hiện đại, minh bạch. Tập trung ưu tiên cải cách thể chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bảo đảm quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện thể chế và các khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số.
Thứ hai, cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quy định TTHC trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Trong đó phấn đấu đến năm 2025 đạt một số mục tiêu: (1) Hoàn thành cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính; (2) Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC lĩnh vực tài chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; (3) Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ các cơ quan thuộc Bộ Tài chính được thực hiện bằng phương thức điện tử; (4) Tối thiểu 80% TTHC trong lĩnh vực tài chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên; (5) Thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; (6) Tối thiểu 80% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.
Thứ ba, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính. Thực hiện chuyển giao theo lộ trình một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công mà cơ quan nhà nước không cần thiết thực hiện cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm. Ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin trong triển khai nhiệm vụ; tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường số; tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, không giấy tờ.
Thứ tư, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Đến năm 2025 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Thứ sáu, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành tài chính hướng tới Bộ Tài chính số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua các công cụ số hóa, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở.
Bộ Tài chính giao các cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch, văn bản tổ chức quán triệt và triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính tại đơn vị  và Văn phòng Bộ là đầu mối tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Tài chính./.

Lê Hồng Quang, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính