|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Quyết định được Văn phòng Chính phủ chủ trì nghiên cứu, xây dựng theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 42/QĐ-BCĐCCHC ngày 06/4/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Công văn số 1104/TTg-KSTT ngày 25/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo Quyết định đã được triển khai một cách bài bản, từ khâu hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đến việc triển khai của các bộ, cơ quan, địa phương, có sự tham gia của công chức cấp xã, cấp huyện trong quá trình rà soát, đề xuất các phương án phân cấp giải quyết TTHC. Quyết định và các phương án phân cấp kèm theo được xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các bộ, cơ quan ngang bộ, đồng thời nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các địa phương và các cơ quan thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đối với từng phương án phân cấp cụ thể. Các phương án phân cấp giải quyết TTHC giúp giảm tầng nấc, giảm khâu trung gian, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện và bảo đảm nguyên tắc cấp nào sát cơ sở, sát dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Quyết định được phê duyệt với tổng số phương án phân cấp là 699 trên tổng số 5.187 TTHC được rà soát, tỷ lệ phân cấp đạt 13,47%. Các Bộ có nhiều TTHC được phê duyệt phương án phân cấp nhất là: Bộ Y tế với 69 TTHC, Bộ Thông tin và Truyền thông với 66 TTHC, Bộ Tư pháp với 59 TTHC, Bộ Nội vụ với 55 TTHC… Các bộ, cơ quan có tỷ lệ phân cấp đạt trên 20% là: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc.
Các lĩnh vực được phân cấp như: Quản lý xuất nhập cảnh; Phòng cháy, chữa cháy; Cấp, quản lý căn cước công dân; Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới, đường bộ; Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; Đăng ký, quản lý ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; thương mại biên giới và miền núi; An toàn đập, hồ chứa thủy điện; Xuất nhập khẩu; Xúc tiến thương mại; Lưu thông hàng hóa trong nước; Công nghiệp tiêu dùng; Vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; Đường bộ; Đường thủy nội địa; Đường sắt; Hàng hải; Hàng không; Đăng kiểm; An toàn bức xạ hạt nhân; Thành lập và hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hội nghị, hội thảo quốc tế; Giáo dục nghề nghiệp; An toàn lao động; Trồng trọt; Chăn nuôi; Nông nghiệp; Lâm nghiệp; Thú y; Thủy lợi; Thủy sản; Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Tôn giáo; Tổ chức phi chính phủ; Mật mã dân sự; Bảo hiểm; Hải quan; Kế toán và kiểm toán; Quản lý giá; Quản lý công sản; Biển và hải đảo; Tài nguyên nước; Đất đai; Biến đổi khí hậu; Địa chất và khoáng sản; Báo chí; Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử; Tần số vô tuyến điện; Xuất bản, in và phát hành; An toàn thông tin; Viễn thông và Internet; Hộ tịch; Luật sư; Hòa giải thương mại; Quản tài viên; Chứng thực; Trợ giúp pháp lý; Mỹ thuật, nhiếp ảnh; Thể dục thể thao; Du lịch; Gia đình; Di sản văn hóa; Thư viện; Kinh doanh bất động sản; Nhà ở và công sở; Vật liệu xây dựng; Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Khám chữa bệnh; Dược phẩm; Mỹ phẩm; Y dược cổ truyền; Giám định y khoa; Y tế dự phòng; Hoạt động ngoại hối; Thành lập và hoạt động ngân hàng; Thanh tra; Công tác dân tộc…
Tổng số văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung để thực thi phương án phân cấp là 232, trong đó có: 32 luật, 87 Nghị định, 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 05 Thông tư liên tịch, 97 Thông tư và 03 Quyết định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Lộ trình thực thi các phương án phân cấp trong giai đoạn từ 2022-2025, đối với các phương án phân cấp cần sửa đổi, bổ sung Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch và Thông tư sẽ triển khai trong giai đoạn 2022-2023, các phương án phân cấp cần sửa đổi, bổ sung Luật triển khai trong giai đoạn 2022-2025 để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm các phương án phân cấp sớm đi vào cuộc sống.
Nguyễn Thị Trà Lê, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính