Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) là một báo cáo thường niên do WEF thực hiện, xuất bản lần đầu vào năm 1979. Báo cáo này nghiên cứu và xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Thời gian đầu, báo cáo nhằm mục tiêu đưa ra các vấn đề và thúc đẩy thảo luận giữa các bên có liên quan về chiến lược và chính sách để giúp các quốc gia khắc phục các trở ngại và cải thiện năng lực cạnh tranh. Từ năm 2005, WEF sử dụng Chỉ số GCI như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia; những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế các nước. Xếp hạng của WEF cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là các yếu tố cơ bản đối với tăng trưởng kinh tế bền vững.
Từ năm 2018, WEF chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 với việc đánh giá và xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0). Theo cách tiếp cận mới, Chỉ số GCI 4.0 được xác định dựa trên một tập hợp mới các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ số này đánh giá các yếu tố quyết định mức độ năng suất của một quốc gia - động lực quan trọng nhất để cải thiện mức sống trong dài hạn, theo 12 trụ cột quan trọng tác động đến năng suất với tổng cộng 98 chỉ tiêu cụ thể, trong đó 64 chỉ tiêu là những chỉ tiêu mới so với trước năm 2018. Cấu trúc mới của GCI 4.0 hướng tới việc tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho các nền kinh tế thông qua việc GCI 4.0 không đặt trọng số vào bất cứ một trụ cột nào như trước đây mà đưa một hệ số đồng đều cho tất cả các trụ cột để cổ vũ cho sự phát triển toàn diện.
Một số kết quả chủ yếu từ bảng xếp hạng các chỉ số của Việt Nam tại Báo cáo GCI 2019
Năm 2019, Chỉ số GCI của Việt Nam đạt 61,5/100 điểm, xếp vị trí 67 trên tổng số 141 quốc gia và nền kinh tế. So với năm 2018, Chỉ số GCI của Việt Nam tăng 3,5 điểm và xếp hạng tăng 10 bậc, mức tăng cao nhất trên thế giới trong năm qua. Trong khu vực ASEAN, Xing-ga-po có điểm số cao nhất thế giới (84,8 điểm, xếp thứ nhất), tiếp theo là Ma-lai-xi-a (74,6 điểm, xếp thứ 27), Thái Lan (68,1 điểm, xếp thứ 40), In-đô-nê-xi-a (64,6 điểm, xếp thứ 50), Bru-nây (62,8 điểm, xếp thứ 56), Phi-líp-pin (61,9 điểm, xếp thứ 64), Cam-pu-chia (52,1 điểm, xếp thứ 106), Lào (50,1 điểm, xếp thứ 113). Từ kết quả trên cho thấy, chỉ có Việt Nam cùng Xing-ga-po, Bru-nây, Lào, Cam-pu-chia là tăng điểm và cũng chỉ có Việt Nam cùng Xing-ga-po, Bru-nây và Cam-pu-chia là tăng bậc xếp hạng. Điểm số và thứ hạng của Việt Nam vượt bậc, rút ngắn đáng kể so với nhóm ASEAN 4, Trung Quốc và Ấn Độ.
Về điểm số, Việt Nam có 10/12 trụ cột có điểm số tăng, gồm: thể chế, cơ sở hạ tầng, năng lực tiếp cận công nghệ thông tin, kỹ năng, quy mô thị trường, thị trường lao động, năng lực đổi mới sáng tạo, tính năng động của doanh nghiệp… Về thứ hạng, trụ cột về năng lực tiếp cận công nghệ thông tin có thứ hạng cao nhất (tăng 54 bậc), trụ cột về thị trường hàng hóa tăng 23 bậc, trụ cột về tính năng động của doanh nghiệp tăng 12 bậc, trụ cột về thể chế và đổi mới sáng tạo tăng 6 bậc…
Như vậy, năm nay Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 02 năm 2019 về Chỉ số GCI (tăng 3-5 bậc) và đạt mục tiêu đến năm 2021 (tăng 10 bậc), những mục tiêu cụ thể đã đạt được là:
- Chi phí tuân thủ pháp luật: xếp thứ 79, tăng 17 bậc so với năm 2018 (mục tiêu năm 2019 tăng 2 bậc), vượt mục tiêu đến 2021.
- Ứng dụng ICT: xếp thứ 41, tăng 54 bậc (mục tiêu năm 2019 tăng 5 bậc), vượt mục tiêu đến năm 2021.
- Chất lượng đào tạo nghề: xếp thứ 102, tăng 13 bậc từ vị trí 115 năm 2018 (mục tiêu năm 2019 tăng 5 bậc).
- Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP: xếp thứ 54, tăng 6 bậc so với năm 2018 (mục tiêu năm 2019 tăng ít nhất 5 bậc).
- Chi tiêu cho Nghiên cứu phát triển: xếp thứ 70, tăng 6 bậc so với năm 2018 (mục tiêu năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc), đạt mục tiêu đến năm 2021.
- Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: xếp thứ 68, tăng 22 bậc so với năm 2018 (mục tiêu năm 2019 tăng ít nhất 5 bậc),
đạt mục tiêu đến năm 2021.
- Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá: xếp thứ 39, tăng 13 bậc so với năm 2018 (mục tiêu năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc), đạt mục tiêu đến năm 2021.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng là một kết quả quan trọng, phản ánh sự đánh giá tích cực của WEF và cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách quy định, cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả này cũng phản ánh thực tiễn nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2019 này, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, thực sự là một sự “bứt phá” rõ rệt nhất trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh./.
Chu Thị Thảo,
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính