 |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Báo cáo đã đánh giá Việt Nam đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trong hơn 30 năm qua, kinh tế đang được phục hồi dù vẫn có khả năng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 và sự hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, đại dịch có thể đóng vai trò như một chất xúc tác để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số vừa mới được bắt đầu, do thói quen hành vi được định hình lại theo hướng sử dụng các công nghệ kỹ thuật số nhiều hơn và có thể đưa đến những thay đổi lâu dài về tổ chức để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng để cải thiện môi trường pháp lý về kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa TTHC, cụ thể là TTHC trong các nhóm chỉ số của Báo cáo Môi trường kinh doanh, như: Khởi sự kinh doanh, Tiếp cận tín dụng, Giải quyết tranh chấp hợp đồng… Nhờ những cải cách này và một số cải cách khác, vị thế của Việt Nam so với các quốc gia về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, cụ thể như: Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 năm 2019 tăng 10 bậc so với năm 2018, hiện xếp thứ 67/141 quốc gia và xếp thứ 6 trong ASEAN, Môi trường kinh doanh giai đoạn 2016-2020 tăng 20 bậc, hiện xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN. Báo cáo cũng đánh giá, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn cơ hội để thúc đẩy hơn nữa môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Những lĩnh vực có kết quả kém nhất trong chỉ số Năng lực cạnh tranh liên quan đến khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, như năng lực đổi mới và áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Về môi trường kinh doanh, Việt Nam vẫn còn tụt hậu trong các lĩnh vực như Bảo vệ nhà đầu tư, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp, Đăng ký tài sản và Giao dịch thương mại qua biên giới.Báo cáo của Nhóm Ngân hàng thế giới khuyến nghị: Để Việt Nam đạt được mục tiêu nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, cần phải có những cải cách tham vọng hơn. Thế hệ cải cách tiếp theo đòi hỏi phải tập trung vào hiệu quả thực thi, thay đổi pháp lý, số hóa và phối hợp giữa các cơ quan để tiến tới một hệ thống “một Chính phủ số” khi cung cấp dịch vụ cho khu vực tư nhân.
Báo cáo nêu nhiều khuyến nghị ngắn và trung hạn cho Việt Nam, trong đó các khuyến nghị cụ thể liên quan đến nhiều bộ, cơ quan và UBND thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như:
(1) Về Khởi sự kinh doanh: Thực hiện một chiến dịch truyền thông về những cải cách được thực hiện gần đây, Hỗ trợ triển khai hóa đơn điện tử giá trị gia tăng (GTGT) trong ngắn hạn; Tăng cường cổng thông tin trực tuyến của Sở Kế hoạch và Đầu tư thông qua việc tích hợp các điểm kiểm tra nhận dạng thích hợp, tích hợp tất cả các cơ quan vào một cổng duy nhất để doanh nghiệp có thể đăng ký trực tuyến mà không cần đến làm việc trực tiếp trong trung và dài hạn.
(2) Về Cấp phép xây dựng: Rà soát các quy định về cấp phép xây dựng và thiết lập cơ chế trách nhiệm giải trình để thực thi quy định về thời hạn cấp giấy phép xây dựng trong ngắn hạn; Sửa đổi Luật xây dựng về trách nhiệm đối với những lỗi tiềm ẩn và quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong trung và dài hạn.
(3) Về Đăng ký tài sản: Thực hiện đánh giá tổ chức nhân sự và khối lượng công việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai và xem xét cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan đến đăng ký tài sản trong ngắn hạn; xây dựng hệ thống không cần hồ sơ giấy tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh để cho phép các bên đăng ký tài sản trực tuyến, cũng như liên kết cơ sở dữ liệu của Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh và Sở Tư pháp để đơn giản hóa quy trình đăng ký tài sản trong trung và dài hạn.
(4) Về Bảo vệ nhà đầu tư: Ban hành các yêu cầu chi tiết về loại thông tin bắt buộc phải công khai cho công chúng hoặc cơ quan quản lý thị trường về giao dịch của các bên liên quan trong ngắn hạn; tiếp tục tăng cường thực thi tốt Luật Doanh nghiệp thông qua việc tiếp cận đến các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp, xem xét sửa đổi một số nội dung của Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng bảo vệ nhà đầu tư trong trung và dài hạn…
Ngoài ra, có một số khuyến nghị cụ thể đối với các chỉ số: Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Trên cơ sở Báo cáo của Nhóm Ngân hàng thế giới, ngày 22/4/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2731/VPCP-KSTT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về nghiên cứu các khuyến nghị cải cách môi trường kinh doanh của Chương trình Đối tác chiến lược Australia - Nhóm Ngân hàng thế giới, theo đó Phó Thủ tướng chỉ đạo:
Một là, các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Ủy ban nhân dân thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo khuyến nghị của Chương trình.
Hai là, Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp theo khuyến nghị của Chương trình.
Ba là, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, tổ chức làm việc với các bộ, cơ quan liên quan, các Ủy ban nhân dân thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong việc triển khai các giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh theo khuyến nghị của Chương trình./.
Nguyễn Thị Trà Lê, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính