Bàn về định chế Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TP HỒ CHÍ MINH - THÀNH VIÊN BAN BIÊN TẬP SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992, TS TRẦN DU LỊCH cho rằng: Vấn đề đang đặt ra hiện nay là, phải tăng quyền tự quản cho chính quyền địa phương để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở và phù hợp với đặc điểm của cơ chế thị trường; việc gì cấp dưới làm tốt hơn cấp trên thì nên giao cho cấp dưới làm, cấp trên nắm quyền kiểm tra, giám sát, chế tài vi phạm. Trong điều kiện của nước ta, thì chính quyền địa phương nên tổ chức đầy đủ ở mấy cấp; có thể có cấp hành chính, mà không có cấp chính quyền đầy đủ không? Nhưng đã là cấp chính quyền đầy đủ thì không thể không có HĐND.
- Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vừa được công bố để lấy ý kiến nhân dân đã thay chương “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương”, theo Phó trưởng đoàn, việc thay đổi như vậy có ý nghĩa như thế nào?
- Trước tiên tôi xin cảm ơn Báo ĐBND đã có cuộc trao đổi khá “sốt dẻo” này. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra cụm từ “chính quyền địa phương” thay cho cụm từ “Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân” không phải là vấn đề từ ngữ, mà là sự thay đổi mang tính nguyên tắc về cơ cấu tổ chức nhà nước. Trong Hiến pháp hiện hành và các đạo luật tổ chức bộ máy nhà nước chúng ta không có khái niệm “chính quyền địa phương”, trong khi đó nhiều văn bản khác của nhà nước, nghị quyết của Đảng đều có đề cập đến khái niệm “chính quyền địa phương” để phân biệt với chính quyền Trung ương. Dường như mọi người đều ngầm hiểu Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp hiện hành chính là Luật về tổ chức chính quyền địa phương, nhưng không làm rõ chính quyền địa phương là ai và địa vị pháp lý của nó trong cơ cấu quyền lực nhà nước như thế nào? Trên thực tế thì chúng ta luôn luôn sử dụng khái niệm địa phương để chỉ cấp chính quyền dưới cấp quốc gia và để phân biệt nó với chính quyền Trung ương - đại diện cho quyền lực nhà nước ở tầm quốc gia. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã minh thị chính quyền địa phương là một bộ phận trong cơ cấu quyền lực nhà nước của nước CHXNCNVN. Hiến pháp sẽ mở đường cho việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương thay cho Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp hiện hành. Do đó, tôi cho rằng sự sửa đổi như thế là cần thiết.
- Nhưng thưa Phó trưởng đoàn, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chương quy định về Chính quyền địa phương chỉ có 5 điều quá gọn và cũng chủ yếu đề cập đến HĐND, UBND và đại biểu HĐND, thì có gì khác với quy định hiện hành? Tại sao chúng ta không gọi thẳng là HĐND và UBND?
- Như tôi đã trình bày ở trên, vấn đề không phải là từ ngữ, mà là nguyên tắc tổ chức nhà nước. Từ khi giành độc lập và ra đời Hiến pháp 1946 cho đến nay, dù Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hay Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều được tổ chức theo mô hình “nhà nước đơn nhất”, khác với nhà nước liên bang hay nửa liên bang ở một số nước. Với mô hình nhà nước đơn nhất thì quyền lực nhà nước chính là quyền lực chính trị được thiết lập trên một quốc gia (khái niệm quốc gia được hiểu bao gồm 3 yếu tố: lãnh thổ, dân cư và quyền lực chính trị được thiết lập trên lãnh thổ và cộng đồng dân cư đó - gọi là nhà nước) được thể hiện tập trung ở chính quyền Trung ương. Từ quyền lực tập trung đó theo xu hướng phát triển của thời đại và tùy theo điều kiện lịch sử, văn hóa của mỗi nước, người ta phân chia một phần cho chính quyền địa phương, thông qua tổ chức nền hành chính, nên có các nền hành chính theo chế độ tảng quyền, phân quyền… HĐND và UBND là 2 bộ phận cấu thành tổ chức chính quyền địa phương.

Nguồn: ITN
Ở nước ta thường dùng khái niệm phân cấp cho địa phương, tức là phân cấp cho chính quyền địa phương. Còn thẩm quyền của HĐND và UBND đến đâu trong các quyền được phân cấp đó, do Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định. Do đó, xác lập định chế chính quyền địa phương trong Hiến pháp chính là việc minh thị địa vị pháp lý của chính quyền địa phương trong hệ thống tổ chức nhà nước của nước ta. Dự thảo hiến pháp sửa đổi quy định Chương này rất gọn chỉ có 5 điều là để lại dư địa cho Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể sau khi Hiến pháp sửa đổi được ban hành.
- Thưa Phó trưởng đoàn, vừa qua Phó trưởng đoàn có đề cập đến vấn đề phân quyền hay phân cấp cho chính quyền địa phương, vậy Phó trưởng đoàn có thể nói rõ hơn về nội dung này theo quy định hiện hành và theo hướng sửa đổi Hiến pháp như thế nào?
- Trước hết chúng ta cần phân biệt rõ là, trong một nhà nước đơn nhất, khái niệm phân cấp hay phân quyền được hiểu là sự phân quyền của nền hành chính, chứ không phải nhà nước (nền hành chính gắn liền với quyền hành pháp, còn nhà nước thì rộng hơn nhiều, bao gồm cả quyền lập pháp và tư pháp). Thể chế chính trị của nước ta không theo mô hình tam quyền phân lập, nhưng có sự phân công rõ ràng và cơ chế kiểm soát 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nêu khá rõ nội dung này khi quy định về Quốc hội, Chính phủ và TAND Tối cao. Do đó, việc phân cấp hay phân quyền của Chính quyền Trung ương cho chính quyền địa phương cần được hiểu là sự phân cấp thẩm quyền hành chính, mà Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Trong những năm qua, trong nhiều lĩnh vực Trung ương đã mở rộng việc phân cấp cho địa phương, nhưng do chưa minh bạch về chức năng quản lý nhà nước, cơ chế trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương; sự trùng lặp chức năng giữa các cấp chính quyền, nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí có nhiều trường hợp thiếu kỷ cương của một nền hành chính quốc gia. Mặt khác, có nhiều lĩnh vực nên để cho chính quyền địa phương, nhất là HĐND tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, nhưng lại không được phân cấp. Ví dụ, ở các đô thị nên cho phép chính quyền địa phương, cụ thể là HĐND được quyền quy định và xử phạt những hành vi vi phạm trật tự, mỹ quan đô thị, cư trú.. mang tính đặc thù của địa phương, mà không tổn hại gì đến lợi ích quốc gia, nhưng không được. Có lần tôi phát biểu là, một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh mà HĐND không có quyền quy định và xử phạt những ngườâi dắt chó ra công viên phóng uế… mà gọi cơ quan này là quyền lực nhà nước ở địa phương thì chỉ là hình thức.
Tôi tin rằng, với sự sửa đổi Hiến pháp lần này, làm rõ địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, làm rõ tính tự chủ của chính quyền địa phương trong phạm vi luật định, mở rộng quyền quyết định của HĐND đối với những vấn đề của địa phương… sẽ phù hợp hơn với đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường định hướng XNCN của nước ta và xu hướng mở rộng tính tự chủ của chính quyền địa phương trên thế giới. Hiến pháp sẽ để ngỏ những nội dung đó cho Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.
- Vâng, nhưng thưa Phó trưởng đoàn, đành rằng để biết rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương nói chung, của HĐND và UBND nói riêng, chúng ta còn phải chờ sự cụ thể hóa trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhưng người dân, nhất là các vị đại biểu nhân dân cũng muốn biết ở cấp nào phải có HĐND và quyền hạn như thế nào chứ? Hiện nay một số địa phương đang thí điểm bỏ HĐND ở cấp quận, huyện, phường, mà riêng TP Hồ Chí Minh thí điểm trên quy mô cả Thành phố đang có những ý kiến trái chiều nhau, vậy quan điểm của Phó trưởng đoàn như thế nào?
- (Cười…). Câu này hơi khó cho tôi đây! Đúng là, có một số nguyên tắc căn bản về tổ chức chính quyền địa phương cần phải được thể hiện trong Hiến pháp để làm cơ sở cho Luật cụ thể hóa sau này thì tốt hơn nhiều. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, tại Điều 115, khoản 2 chỉ quy định “Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều này, thì hành chính lãnh thổ của nước ta có 4 cấp, với cách chia giống như Điều 118 Hiến pháp hiện hành. Theo luật hiện hành, thì mỗi đơn vị hành chính lãnh thổ là một cấp chính quyền, nên đều có cơ cấu HĐND và UBND. Nhưng theo dự thảo sửa đổi, thì để ngỏ nội dung này cho Luật quy định (có lẽ nội dung này còn đang thí điểm chưa tổng kết để có kết luận cuối cùng).
Riêng ở TP Hồ Chí Minh, việc xin thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường là một trong những nội dung của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đuợc xây dựng từ năm 2006, theo tinh thần NQ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Theo Đề án này, Chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh được tổ chức theo 2 cấp: cấp thành phố và cấp cơ sở (các đô thị trực thuộc và các xã ở nông thôn), riêng ở nội thành chỉ có 1 cấp - cấp thành phố. Mỗi cấp chính quyền đều có UBND và HĐND. Về nguyên tắc, thì trong một nhà nước dân chủ, đã là một cấp chính quyền đầy đủ phải có cơ quan dân cử; trong thể chế của nước ta là Hội đồng nhân dân. Vấn đề đang đặt ra hiện nay là, phải tăng quyền tự quản cho chính quyền địa phương để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở và phù hợp với đặc điểm của cơ chế thị trường; việc gì cấp dưới làm tốt hơn cấp trên thì nên giao cho cấp dưới làm, cấp trên nắm quyền kiểm tra, giám sát, chế tài vi phạm. Trong điều kiện của nước ta, thì chính quyền địa phương nên tổ chức đầy đủ ở mấy cấp; có thể có cấp hành chính, mà không có cấp chính quyền đầy đủ không? Nhưng đã là cấp chính quyền đầy đủ thì không thể không có HĐND. Tôi cho rằng đây là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, nhất là qua việc lấy ý kiến của nhân dân. Tôi mong rằng Báo ĐBND tiếp tục quan tâm vấn đề này trong quá trình thảo luận Hiến pháp sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau này.
- Xin cảm ơn Phó trưởng đoàn đã có buổi trao đổi rất thời sự này; chúc Phó trưởng đoàn năm mới mạnh khỏe, có nhiều đóng góp cho Quốc hội, cho đất nước.
Theo daibieunhandan.vn