Kết quả đạt được
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Văn phòng Chính phủ đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là việc triển khai hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tham gia ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc chức năng quản lý của 05 Bộ, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương.
Đồng thời, đã triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành, quản trị đối với các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như kiểm soát được phương án, quá trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh. Đến nay, Hệ thống đã cập nhật 12.448 quy định, nhiều bộ, ngành đã quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC
, Văn phòng Chính phủ đã ban hành tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ nhận diện của Bộ phận Một cửa các cấp và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; xây dựng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 63 địa phương về số hóa hồ sơ, kết quả và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. Việc tập huấn góp phần thúc đẩy triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030), cũng như tạo hệ thống dữ liệu để tái sử dụng trong giải quyết TTHC, giảm bớt yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ, giấy tờ trong quá trình thực hiện TTHC, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, làm cơ sở cho bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, hình thành các dữ liệu dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của các bộ, ngành với Hệ thống phần mềm một cửa của các địa phương theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các ứng dụng quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Từ khi khai trương (ngày 09/12/2019) đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp đăng nhập một lần với tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 địa phương và một số cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đã cung cấp 3.661 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có thêm hơn 612 nghìn tài khoản đăng ký; đã có hơn 101 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 29,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 432 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 1.251 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục được chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận tổng số 679 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý, trong đó các Bộ, cơ quan, địa phương đã trả lời 344 phản ánh, kiến nghị, còn lại 335 phản ánh, kiến nghị đang xem xét, xử lý.
Với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng xây dựng, lấy ý kiến các thành viên, các cơ quan tổ chức liên quan và hoàn thiện Báo cáo APCI 2021. Theo đó, Báo cáo đã tổng hợp, phân tích dựa trên dữ liệu Phiếu khảo sát 3.279 doanh nghiệp trên cả nước đã thực hiện các TTHC ở 9 nhóm lĩnh vực
(đất đai, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, đầu tư, giao dịch thương mại qua biên giới, khởi sự doanh nghiệp, kiểm tra chuyên ngành, môi trường, thuế, xây dựng) trong 6 tháng cuối năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021
. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 5/2022, Văn phòng Chính phủ đã gửi Báo cáo APCI 2021 đến các bộ, cơ quan, địa phương để các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiên cứu các chỉ số liên quan và khuyến nghị tại Báo cáo APCI năm 2021 để tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương mình.