Tài liệu về kỹ thuật soạn thảo quy phạm thủ tục hành chính
1. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Đảng ta xác định: hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính là một trong các biện pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện thắng lợi chiến lược, trong đó phải: “Đặt yêu cầu cải cách TTHC ngay trong quá trình xây dựng thể chế, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn…; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của các tổ chức và chuyên gia tư vấn độc lập trong việc xây dựng thể chế, chuẩn mực quốc gia về TTHC; giảm mạnh các thủ tục hiện hành. Công khai các chuẩn mực, các quy định hành chính để nhân dân giám sát việc thực hiện…". Tiếp đó, tại điểm e khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ đã khẳng định thực hiện chủ trương trên của Đảng.
Nhiệm vụ cải cách TTHC ngay trong quá trình xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất “khởi đầu” và quyết định hiệu quả của các nhiệm vụ cải cách TTHC ở các giai đoạn thực thi pháp luật, kiểm tra VBQPPL. Có nhiều nội dung thuộc phạm vi nhiệm vụ cải cách TTHC, như: đánh giá tác động, góp ý kiến, thẩm định để hoàn thiện quy định TTHC trong các dự án, dự thảo VBQPPL; công khai, minh bạch hóa các TTHC để đảm bảo thực hiện; rà soát, đơn giản hóa TTHC…, trong đó, hoạt động: đánh giá tác động, góp ý kiến, thẩm định quy định TTHC... là những hoạt động diễn ra ở giai đoạn xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật. Mục đích của các hoạt động nêu trên nhằm bảo đảm hoàn thiện các quy định TTHC; đặc biệt hướng đến việc giúp Cơ quan chủ trì soạn thảo thiết kế quy định TTHC một cách rõ ràng, thống nhất, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện nhất.
2. Hiện nay, vấn đề “xây dựng chuẩn mực quốc gia về TTHC” đồng thời công khai các chuẩn mực đó để nhân dân giám sát việc thực hiện theo chủ trương nêu trên của Đảng vẫn đang là vấn đề bỏ ngỏ.
Thực tế, trong quá trình kiểm soát TTHC, nhất là kiểm soát quy định TTHC, cho thấy, tình trạng tùy tiện, lộn xộn trong quy định; nội dung thiếu khả thi, có tính lặp đi lặp lại; ngôn ngữ diễn đạt, kỹ thuật soạn thảo quy phạm TTHC chưa đảm bảo thống nhất, khoa học; kết cấu, bố cục của một quy định TTHC không theo trật tự, quy củ... vẫn còn khá phổ biến, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nội dung của các quy định TTHC nói riêng và chất lượng của VBQPPL nói chung.
3. Để khắc phục tình trạng nêu trên, hướng đến việc thống nhất trong soạn thảo quy phạm TTHC, bảo đảm quy định về TTHC phải rõ ràng, chuẩn mực, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, cần thiết xây dựng bộ Tài liệu về “Kỹ thuật soạn thảo quy phạm TTHC”. Đây là Tài liệu tham khảo dùng cho các cán bộ, công chức soạn thảo VBQPPL, và phục vụ thiết thực cho những người làm công tác kiểm soát TTHC trong quá trình góp ý kiến, thẩm định quy định TTHC, cũng như kiểm soát chất lượng quyết định công bố TTHC; đồng thời nâng cao hiệu quả của việc đánh giá tác động của quy định TTHC, đáp ứng mục tiêu: xây dựng thể chế, chuẩn mực quốc gia về TTHC; đồng thời công khai các chuẩn mực đó để nhân dân giám sát việc thực hiện theo chủ trương, định hướng của Đảng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 và quyết tâm của Chính phủ tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011.